Investment knowledge 18.08.2023
PHÂN BIỆT CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ (P2)
1. Các công cụ và cách thức hoạt động của chính sách tài khóa
Chính phủ thực thi chính sách tài khóa thông qua hai công cụ chính là chi tiêu chính phủ và thuế.
a) Chi tiêu chính phủ
Chi tiêu của chính phủ là khoản tài sản được chính phủ sử dụng cho mục đích chi mua hàng hóa và dịch vụ nhằm sử dụng cho lợi ích công cộng và điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Chi tiêu chính phủ bao gồm chi chuyển nhượng, chi mua hàng hóa dịch vụ.
Chi mua hàng hóa dịch vụ: Chính phủ dùng ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trả lương cho cán bộ … Một ví dụ rõ nét nhất về chi mua hàng hóa dịch vụ nhằm kích thích nền kinh tế được thực hiện trong năm 2023, Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn Ngân sách Nhà nước năm 2023 là 809.245,8 tỷ đồng với chủ trương thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Khi chính phủ chi mua hàng hóa dịch vụ, làm cầu hàng hóa tăng, làm tăng tổng cầu nền kinh tế.
Chi chuyển nhượng: Chính phủ chi ngân sách cho các khoản trợ cấp nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người nghèo, bệnh binh, thương binh, … Chi ngân sách trợ cấp xã hội, thu nhập người dân tăng, dân mua sắm nhiều hơn, gián tiếp tăng tổng cầu.
Vậy, chi tiêu chính phủ tăng, tác động tổng cầu của nền kinh tế tăng. Vì cầu tăng nên kích thích cung tăng giúp nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, hướng đến mục tiêu phát triển ổn định. Chi tiêu chính phủ giảm, tác động đến tổng cầu giảm ổn định sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khó có thể đạt được những thay đổi ngắn hạn trong chi tiêu của chính phủ do có những khó khăn về hành chính và chính trị, đặc biệt khi việc cắt giảm chi tiêu làm thu hẹp tổng cầu.
Ví dụ như, chính phủ khó có thể nhanh chóng cắt giảm những khoản chi tiêu cho y tế, giáo dục khi các ngành này thường sử dụng nhiều lao động, không thể sa thải nhiều người. Hơn nữa, nếu chính phủ cắt giảm các khoản chi tiêu cho đầu tư công cộng, điều này có thể gây ra sự gián đoạn trong các dự án đầu tư dài hạn và làm suy kiệt cơ sở hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, khi chi tiêu của chính phủ bao gồm cả những khoản chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ mua của khu vực doanh nghiệp, thì việc cắt giảm chi tiêu có thể ảnh hưởng lớn sự thịnh vượng của khu vực tư nhân.
b) Thuế
Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng. Bên cạnh đó nguồn thu từ thuế vào ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công của Nhà nước, không được sử dụng cho mục tiêu cá nhân. Thuế gồm 2 loại:
Thuế trực thu: Khoản thuế đánh trực tiếp vào tài sản, thu nhập của người chịu thuế. Người chịu thuế là người nộp thuế. Các loại thuế trực thu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế thừa kế, thuế tài sản, thuế đất…
Thuế gián thu: Khoản thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả dịch vụ, hàng hóa, người chịu thuế không phải người nộp thuế. Các loại thuế gián thu bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu … Ví dụ với thuế VAT, việc giảm mức thuế VAT về 8% giúp kích thích tiêu dùng của người dân, khi chính phủ giảm thuế hay tăng chi tiêu đồng nghĩa chính phủ đang vận dụng chính sách tài khóa mở rộng.
Thông qua công cụ Thuế, góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó thuế còn giúp đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua thuế, nhà nước sẽ điều tiết phần chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, bằng việc việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng.
Chi tiêu chính phủ là chi ra còn thuế là khoản thu vào nên sẽ tác động ngược chiều nhau. Nếu thuế tăng, thu nhập người dân giảm, giảm tiêu dùng, tổng cầu giảm và GDP giảm. Nếu thuế giảm, giá cả hàng hóa dịch vụ giảm, người dân chi tiêu nhiều hơn, tổng cầu tăng và GDP tăng.
Với trường hợp kết hợp cả hai công cụ, giả sử nền kinh tế suy thoái và thất nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng không muốn chi tiền. Tổng cầu rất thấp. Tăng chi tiêu của chính phủ và giảm thuế sẽ dẫn đến sản lượng thực tế cao hơn và trở lại tình trạng toàn dụng lao động. Ngược lại, khi nền kinh tế đang trong tình trạng phát triển quá mức, tăng trưởng cao, lạm phát gia tăng, chính phủ có thể giảm chi tiêu, tăng thuế để tổng cầu giảm sản lượng thực tế, từ đó làm giảm lạm phát.
2. Phân biệt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Giống nhau: Đều là chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu như: tăng trưởng, điều tiết nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, …
Khác nhau:
|
Chính sách tiền tệ |
Chính sách tài khóa |
Đặc điểm |
Liên quan tới việc thay đổi lãi suất và cung tiền của nền kinh tế. |
Liên quan tới việc thay đổi thuế suất và chi tiêu của chính phủ để tác động tới tổng cầu nền kinh tế. |
Người tạo chính sách |
Ngân hàng Nhà nước |
Chính phủ |
Phân loại |
Chính sách tiền tệ thắt chặt và Chính sách tiền tệ mở rộng |
Chính sách tài khóa thắt chặt và chính sách tài khóa mở rộng |
Mục tiêu |
Ổn định giá cả, tăng trưởng GDP, giảm thất nghiệp, … |
Hướng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế thông qua tác động đến sản lượng, tổng cầu. |
Công cụ thực hiện |
Tỷ lệ dữ trự bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất tín dụng, hạn mức tín dụng, tỷ giá hối đoái, lãi suất chiết khấu. |
Chi tiêu chính phủ và Thuế |
Ngoài ra, chính sách tài khóa tác động trực tiếp đến thành phần của tổng cầu thông qua chi tiêu Chính phủ, qua đó, tác động đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên chính sách tài khóa phải tuân thủ những quy trình khá phức tạp, tốn thời gian. Vì vậy, chính sách tài khóa có “độ trễ”, dài hơn độ trễ của chính sách tiền tệ về thời gian để chính sách tác động hiệu quả.
Như vậy, thông qua bài viết trên, nhà đầu tư đã hiểu hơn về chính sách tài khóa cũng như những dấu hiệu khi chính phủ thực thi chính sách này qua đó nắm bắt được tình hình vĩ mô và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý từ góc độ dự báo, trong bối cảnh thị trường hoàn hảo và các nhà kinh tế có khả năng dự báo tương lai đúng 100% thì chính sách tài khóa có thể được đưa ra ngay khi cần. Nhưng nếu thị trường đang trong tình trạng bất định, hay thay đổi thì hầu như các nhà kinh tế không thể dự báo chính xác những thay đổi đó trong ngắn hạn, chính vì thế, chính sách tài khóa sẽ có độ trễ khi được thực thi.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” _ Link để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!