Phân tích cơ bản 19.04.2024
PHÂN TÍCH NGÀNH NGÂN HÀNG – NHÌN VÀO CHỈ SỐ NÀO?
PHẦN 1: HIỆU SUẤT SINH LỜI
Trong số ‘mở màn’ này, xin giới thiệu nhóm chỉ số hiệu suất sinh lời của ngành ngân hàng thông qua 4 chỉ số tiêu biểu NIM, CASA, ROAE và ROAA.
Chỉ số đầu tiên khi nghĩ đến hiệu suất sinh lời nhóm ngân hàng có thể nói là NIM vì đọc tham khảo thông tin ở nguồn nào chúng ta cũng đều biết qua về NIM vì mức độ phổ biến của chỉ số này. NIM là viết tắt của Net interest margin, tức biên lãi ròng. Hiểu theo một cách giản đơn NIM có thể đại diện cho Biên lợi nhuận ròng của 1 ngân hàng.
NIM = Thu nhập lãi thuần / Tổng tài sản có sinh lãi
trong đó
Thu nhập lãi thuần = (Thu nhập lãi – Chi phí lãi)
Cấu phần tử số của NIM bao gồm ‘Thu nhập lãi thuần’, phần mẫu số sẽ là ‘Tổng tài sản có sinh lãi’ bao gồm tất cả các loại hình sản phẩm có dòng tiền được định sẵn trên hợp đồng (contractual cashflow). Các khoản lớn trong ‘Tài sản có sinh lãi’ bao gồm các khoản cho vay khách hàng, danh mục trái phiếu, các khoản tiền gởi và cho vay liên ngân hàng… và tỷ trọng từng khoản mục sẽ khá là khác nhau tùy vào chiến lược kinh doanh và phân bổ tài sản từng ngân hàng.
Điểm quan trọng nhất đối với chỉ số NIM chính là đây là một chỉ số mang tính ‘tổng hợp’ về mặt lãi suất, có nghĩa là sẽ bị phụ thuộc vào mức lãi suất hiện hành tác động vào tử số hoặc mẫu số. Từ lãi suất huy động, lãi suất cho vay đến lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu, lãi suất tín phiếu… cho nên khi có sự thay đổi về lãi suất hay tổng tín dụng của một ngân hàng chúng ta sẽ nghĩ ngay đến chỉ số NIM.
CASA – CURRENT ACCOUNT & SAVING ACCOUNT
Nói đến sức mạnh tạo ra lợi nhuận hay lợi thế cạnh tranh của nhóm bank không thể không nhắc đến CASA - chỉ số thể hiện tỷ lệ tiền gởi không kỳ hạn (KKH) trên tổng tiền gởi huy động từ khách hàng. Số dư tiền gởi duy trì trên loại tài khoản này thường được hưởng mức lãi suất rất thấp (khoảng 0.2%/năm) do đó đây là 1 nguồn vốn giá rẻ rất tiềm năng của các ngân hàng để tăng lợi nhuận mà hầu như ngân hàng nào cũng hướng đến mục tiêu cải thiện chỉ số này không ngừng.
CASA = Tiền gởi KKH / Tổng huy động từ khách hàng
Các lợi thế của tỷ lệ CASA cao:
- Biên lãi gộp của nguồn vốn này gần như 100% (lãi vay trừ chi phí huy động rất thấp) nên hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao đồng nghĩa với việc chỉ số NIM cũng sẽ ở mức cao khi so với các ngân hàng khác ví dụ trường hợp của VCB, MBB hay TCB.
- Giải ngân với lãi suất cạnh tranh: tỷ lệ CASA cao đồng nghĩa chi phí vốn huy động (Cost of fund) bình quân sẽ thấp và do đó lãi suất cho vay ra cũng sẽ thấp theo tạo nhiều lợi thế cạnh tranh cho tăng trưởng tín dụng, điểm này rất quan trọng trong những giai đoạn các nhà băng khó ‘đẩy’ tín dụng ra như hiện nay.
- CASA cao thường đi kèm với chất lượng dịch vụ tốt, công nghệ hiện đại, nền tảng số hóa tốt hoặc nhiều sản phẩm giá trị gia tăng đi kèm với các dịch vụ mở tài khoản nên nhìn chung là một điểm cộng trong mắt cả nhà đầu tư lẫn khách hàng.
ROA – RETURN ON ASSETS
Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản là chỉ số quan trọng sau cùng khi phân tích so sánh lợi nhuận của nhóm ngân hàng. Công thức tính ROA khá đơn giản, là thương số giữa lợi nhuận sau thuế (LNST) trên tổng tài sản của một ngân hàng.
ROA = LNST / Tổng tài sản
Chỉ số này có đặc tính khá hữu ích đó là tính biến động thấp, có nghĩa muốn cải thiện chỉ số này một cách mạnh mẽ không hề đơn giản chút nào nhưng để sụt giảm mạnh thì lại là chuyện dễ nếu để các yếu tố rủi ro vượt ngoài tầm kiểm soát. Chỉ số ROA có thể dùng mốc 2% để tham khảo xem xét, trên mức này có thể nói là hiệu quả sử dụng tài sản tốt.
Ngoài các chỉ số quan trọng trên thì nhà đầu tư cũng cần tham khảo thêm các chỉ số phụ để bổ sung trang bị thêm kiến thức như NII, COF, VOF, Tăng tưởng tín dụng, ROE… để có thể tự phác họa bức tranh toàn diện về hiệu suất sinh lời của nhóm ngành ngân hàng.
Để tóm tắt bài viết chúng ta cần nắm một số điểm chính sau:
- Chu kỳ lợi nhuận ngành ngân hàng thường sẽ đồng pha với nền kinh tế, trên thị trường chứng khoán thì có thể cổ phiếu nhóm này sẽ ‘chạy’ trước khi kết quả kinh doanh (KQKD) của doanh nghiệp hoặc của nền kinh tế, vì tăng trưởng tín dụng tốt sẽ phản ánh vào KQKD của nhóm ngân hàng, sau đó đến các nhóm khác (do tín dụng tăng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sinh ra lợi nhuận) và sau cùng mới tác động lên các biến số vĩ mô như PMI, GDP
- Sự thay đổi nào của lãi suất gần như chắc chắn sẽ tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, cả ngắn hạn và trung dài hạn thông qua hầu hết các tiêu chí CASA, NIM, Chi phí vốn, lãi suất cho vay…
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!