Phân tích kỹ thuật 27.03.2023
Các mẫu hình phân tích kỹ thuật nhà đầu tư chứng khoán nên biết! (Phần 3)
1. Mẫu hình cái nêm
Mẫu hình cái nêm là dạng mô hình tiếp diễn hoặc mô hình đảo ngược sau một xu hướng tăng hoặc giảm, dự báo tiếp diễn xu hướng hoặc đảo chiều xu hướng.
Đặc điểm mẫu hình: gồm hai đường thẳng kết hợp với nhau cùng hướng lên hoặc hướng xuống tạo thành đường kháng cự và đường hỗ trợ. Giá dao động trong mẫu hình có xu hướng giao dịch với biên độ hẹp dần.
Phân loại: có 2 dạng mẫu hình cái nêm
a. Mẫu hình cái nêm hướng lên
Trước mẫu hình cái nêm hướng lên, xu hướng giá có thể là tăng hoặc giảm, tuy nhiên sau giai đoạn tích lũy hướng lên thì giá không thể phá vỡ cạnh trên của mẫu hình mà giảm thủng hỗ trợ cạnh dưới khiến giá rơi vào xu hướng giảm. Độ cao của đỉnh sau so với đỉnh trước cao hơn, đáy sau cao hơn đáy trước, hay nói cách khác là đường hỗ trợ có độ dốc lên cao hơn đường kháng cự.
Đối với mẫu hình xuất hiện sau xu hướng tăng giá trước đó, biểu hiện của giá trong cái nêm cho thấy lực bán đang tăng dần còn lực mua thì yếu đi, đến thời điểm nào đó, lực bán đủ mạnh sẽ phá vỡ đường hỗ trợ và rơi vào xu hướng giảm.
Ngược lại, nếu trước đó xu hướng là giảm, mẫu hình cái nêm là dạng mẫu hình tiếp diễn xu hướng, giá bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và kiểm tra cung cầu, nếu xuất hiện dạng mẫu hình cái nên hướng lên trong đoạn này, chứng tỏ lực bán đang thắng thế so với lực mua, đẩy giá tiếp tục rơi vào xu hướng giảm giá trước đó.
Ngoài ra, mẫu hình như trên, nhà đầu tư nên lưu ý tại những mốc giá chạm đường kháng cự (cạnh trên của mẫu hình) cần chủ động quan sát xem lực mua và lực bán nhằm củng cố độ đáng tin cậy của mẫu hình.
Lưu ý: mẫu hình hoàn thiện cần có tối thiểu 4 điểm chạm vào đường hỗ trợ và đường kháng cự, tức là 2 điểm giao đường hỗ trợ, 2 điểm giao đường kháng cự.
b. Mẫu hình cái nêm hướng xuống
Đối với mẫu hình cái nêm hướng xuống, xu hướng giá trước đó tương tự có thể là tăng hoặc giảm, tuy nhiên sau giai đoạn tích lũy hướng xuống thì giá phá vỡ cạnh trên của mẫu hình và bước vào xu hướng tăng. Độ cao của đỉnh sau so với đỉnh trước thấp hơn, đáy sau thấp hơn đáy trước, hay nói cách khác là đường hỗ trợ có độ dốc xuống thấp hơn đường kháng cự.
Đối với mẫu hình xuất hiện sau xu hướng tăng giá trước đó, mẫu hình cái nêm là dạng mẫu hình tiếp diễn xu hướng, giá bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và kiểm tra cung cầu, lực bán xuất hiện nhưng dần yếu đi và cầu trở lại khiến giá tiếp tục quay lại xu hướng tăng trước đó.
Ngược lại, nếu trước đó xu hướng là giảm, biểu hiện của giá trong cái nêm cho thấy lực bán đang giảm dần, đến thời điểm nào đó, khi không còn lực bán nhiều, lực mua thắng thế sẽ phá vỡ đường kháng cự và bước vào xu hướng tăng.
Lưu ý: Tương tự như mẫu hình cái nêm hướng lên, mẫu hình này cũng cần nhà đầu tư lưu ý tại những mốc giá chạm đường kháng cự (cạnh trên của mẫu hình) cần chủ động quan sát xem lực mua và lực bán nhằm củng cố độ đáng tin cậy của mẫu hình.
2. Mẫu hình chữ nhật
Mẫu hình chữ nhật là dạng mẫu hình tiếp diễn xu hướng, nghỉ ngơi sau giai đoạn tăng hoặc giảm mạnh. Mẫu hình được hình thành bởi hai đường hỗ trợ và kháng cự song song, giá nằm trong biên độ trong thời gian dài khi nhiều lần kiểm định đường hỗ trợ, kháng cự trước khi bứt phá thành công.
a. Mẫu hình chữ nhật tăng
Thường xuất hiện trong một xu hướng tăng khá mạnh. Mô hình chỉ hoàn thiện khi giá bứt phá khỏi đường kháng cự.
Để áp dụng hiệu quả mẫu hình, nhà đầu tư nên xác định rõ trước đó giá có xu hướng tăng mạnh rõ ràng, sau khi đi ngang tích lũy thì bứt phá khỏi đường kháng cự và quay về xu hướng tăng ban đầu.
b. Mẫu hình chữ nhật giảm
Thường xuất hiện trong một xu hướng giảm. Mô hình chỉ hoàn thiện khi giá bứt phá khỏi đường hỗ trợ.
Cũng như mẫu hình chữ nhật tăng, nhà đầu tư nên xác định rõ trước đó giá có xu hướng giảm rõ ràng, sau khi đi ngang tích lũy thì bứt phá khỏi đường hỗ trợ và tiếp tục rơi vào xu hướng giảm ban đầu.
Ngoài ra, để tín hiệu breakout khỏi đường hỗ trợ, kháng cự là đáng tin cậy nhà đầu tư nên kết hợp với các công cụ về đường trendline, kênh giá, khối lượng,…
3. Mẫu hình tam giác
Mẫu hình tam giác là mẫu hình giá dự báo sự tạm dừng của xu hướng hiện tại, giá giao dịch trong biên độ và dần hội tụ với biên độ càng hẹp trước khi phá vỡ mẫu hình và bước vào xu hướng tiếp theo. Khác với mẫu hình cái nêm được tạo thành từ 2 đường xu hướng cùng dốc lên hoặc dốc xuống, mẫu hình tam giác được tạo thành từ 2 đường xu hướng ngược chiều nhau hoặc 1 đường đi ngang và đường còn lại hướng lên hoặc hướng xuống.
- Đối với mẫu hình tam giác tăng: Gồm một đường xu hướng hướng lên và một đường xu hướng nằm ngang (tương đối ngang). Với đặc điểm: giá giao dịch với biên độ thu hẹp dần cùng với khối lượng giao dịch tăng dần, khi hình thành các đáy sau cao hơn đáy trước cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế, khi giá break out khỏi kháng cự sẽ bước vào xu hướng tăng với mục tiêu lợi nhuận (được tính tại điểm break out) bằng với chiều cao của tam giác. Lưu ý: Mẫu hình tam giác tăng xuất hiện sau một xu hướng tăng, và thể hiện xu hướng tăng vẫn còn mạnh nên sau giai đoạn củng cố giá tiếp tục quay trở lại xu hướng.
- Đối với mẫu hình tam giác giảm: Gồm đường xu hướng hướng xuống và một đường hỗ trợ nằm ngang (tương đối ngang). Với đặc điểm: giá giao dịch với biên độ thu hẹp dần cùng với khối lượng giao dịch tăng dần, bên bán vẫn đang chiếm ưu thế khi giá liên tục tạo những đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đến khi biên độ giá thu hẹp dần và bên mua yếu thế thì giá break out khỏi hỗ trợ và bước vào xu hướng giảm tiếp tục. Lưu ý: Mẫu hình tam giác giảm xuất hiện sau một xu hướng giảm, và thể hiện xu hướng giảm vẫn còn mạnh nên sau giai đoạn củng cố giá tiếp tục quay trở lại xu hướng.
- Đối với mẫu hình tam giác cân: Được tạo thành bởi 2 đường xu hướng ngược chiều nhau, và dần hội tụ tại một điểm. Mẫu hình không cung cấp một tín hiệu cụ thể về tiếp diễn hay đảo chiều. Nếu giá cổ phiếu phá vỡ cạnh trên của mẫu hình, giá có thể bước vào xu hướng tăng và ngược lại nếu giá phá vỡ cạnh dưới của mẫu hình, nhiều khả năng giá rơi vào xu hướng giảm. Tuy nhiên với mẫu hình tam giác cân, nhà đầu tư nên thực hiện lệnh khi giá đã retest lại sau khi breakout nhằm tăng tính an toàn khi giao dịch.
Như vậy, chuỗi bài viết về các mẫu hình phân tích kỹ thuật đã phần nào giới thiệu đến nhà đầu tư những mẫu hình phân tích thông dụng mà thông qua đó nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bao quát hơn khi phân tích biểu đồ giá. Để từ đó, nhà đầu tư có ứng dụng làm gia tăng hiệu quả đầu tư cũng như chinh phục và tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, không có bất kỳ phương pháp nào mang lại hiệu quả tuyệt đối, chính vì vậy nhà đầu tư nên sử dụng kết hợp thêm các tín hiệu khác như tín hiệu về thanh khoản hay dòng tiền để gia tăng sự tin cậy của mẫu hình. Và chỉ có đầu tư đúng và đầu tư thông minh mới là con đường nhanh nhất mang đến cuộc sống thịnh vượng
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!