Kiến thức đầu tư 20.09.2023
Chu kỳ kinh tế ở Việt Nam và các giai đoạn của chu kỳ kinh tế (P2)
1. Các giao đoạn của chu kỳ kinh tế (tiếp theo):
Giai đoạn phục hồi (Recovery):
Là giai đoạn sau khi kinh tế trải qua giai đoạn suy thoái hoặc khủng hoảng. Sau thời gian dài thắt chặt chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế tăng trưởng quá nóng, dẫn đến suy thoái như xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cải thiện chất lượng tín dụng, chính phủ bắt đầu mở rộng chính sách tiền tệ, kích thích nền kinh tế.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, có một số yếu tố quan trọng:
- Tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng lại sau khi chạm đáy ở giai đoạn suy thoái. Các doanh nghiệp có thể thấy nhu cầu tăng lên và doanh số bán hàng cũng có thể tăng trở lại.
- Số liệu thất nghiệm giảm: Một trong những dấu hiệu tích cực trong giai đoạn phục hồi là số liệu thất nghiệp giảm. Khi doanh nghiệp bắt đầu phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp sẽ hạn chế sa thải nhân viên và bắt đầu các đợt tuyển dụng trở lại, nhưng với số lượng hạn chế.
- Hoạt động sản xuất và đầu tư tăng: Giai đoạn phục hồi thường đi kèm với sự gia tăng của hoạt động sản xuất và đầu tư. Sản lượng sản xuất sẽ tăng lên đáng kể, đi kèm với đó là doanh thu và lợi nhuận cũng tăng lên. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể thấy cơ hội trong việc đầu tư mua sắm tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Chi tiêu cá nhân phục hồi: Khi tình hình kinh tế cải thiện, người tiêu dùng thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thúc đẩy sự phục hồi.
- Lãi suất thấp: Lãi suất thấp nên chi phí đi vay giảm giúp doanh nghiệp thuộc các ngành cần sử dụng vốn vay cải thiện tình hình kinh doanh.
Đồng thời, trong giai đoạn hồi phục, nhân viên sẽ nhận được ít lương hơn so với khả năng làm việc và sức lao động bỏ ra. Đây là một bước ngoặt từ suy thoái sang phục hồi. Điều này thường dẫn đến sự gia tăng niềm tin của người dân.
Ví dụ: Ngày 20/09/2010, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) khẳng định suy thoái tại Mỹ đã kết thúc vào tháng 6/2009 sau khi kéo dài 18 tháng, đây là cuộc suy thoái được xem là dài nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Lúc này, kinh tế Mỹ đã phục hồi được 70% so với trước khủng hoảng. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn phục hồi mong manh và rủi ro đối với kinh tế toàn cầu là không nhỏ. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nhưng rất yếu và việc giảm tỷ lệ thất nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi mới chỉ lấy lại được 9% số lượng việc làm đã mất trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Giai đoạn hưng thịnh (Expansion):
Giai đoạn hưng thịnh gắn liền với sự phục hồi kinh tế. Trong giai đoạn này, nền kinh tế trở nên sôi động hơn, các số liệu quan trọng như GDP, doanh thu và lợi nhuận, sản lượng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người, nhu cầu lao động và thị trường vốn thường có xu hướng tăng lên. Dưới đây là một phân tích chi tiết về các yếu tố thể hiện giai đoạn hưng thịnh:
- Tăng trưởng GDP: Trong giai đoạn hưng thịnh, nền kinh tế bắt đầu trải qua một giai đoạn tăng trưởng GDP ổn định. Sản xuất và tiêu dùng tăng lên, doanh nghiệp phục hồi và thậm chí mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Sản lượng sản xuất tăng: doanh nghiệp thường tăng cường hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường. Sản lượng sản xuất tăng cao hơn giúp cải thiện cung cấp hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- Thu nhập bình quân đầu người tăng: kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người thường tăng lên. Người dân có khả năng tiêu dùng cao hơn, tạo đà cho sự phục hồi của các ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ
- Nhu cầu lao động và việc làm tăng: Khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động và sản xuất, nhu cầu về lao động cũng tăng lên. Điều này dẫn đến sự gia tăng của cơ hội việc làm, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện tình hình thị trường lao động.
- Thị trường vốn hoạt động tốt: Trong giai đoạn hưng thịnh, thị trường vốn thường có xu hướng tăng cường hoạt động tích cực. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng hoạt động và đầu tư. Các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư có lợi.
Cũng bởi tình hình tài chính tốt mà trong giai đoạn này, người vay sẽ có khả năng trả nợ. Do đó, các chủ nợ cho vay tiền với lãi suất cao hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng dòng tiền. Cũng do có nguồn tiền nhàn rỗi, cơ hội đầu tư tăng nên nhiều nhà đầu tư sẽ phân bổ nguồn tiền này cho nhiều dự định khác nhau.
Chu kỳ chạm đỉnh (Peak) ở cuối giai đoạn hưng thịnh, khi nền kinh tế bắt đầu phát triển chậm lại. Thời điểm này, các yếu tố kinh tế như sản xuất, lợi nhuận, bán hàng, việc làm có thể cao hơn nhưng không tăng thêm. Nhu cầu của các sản phẩm khác nhau giảm dần do giá đầu vào tăng.
Việc tăng giá đầu vào dẫn đến tăng giá sản phẩm cuối cùng, trong khi thu nhập của các cá nhân không đổi. Điều này khiến người tiêu dùng phải cơ cấu lại ngân sách hàng tháng. Nhu cầu về các sản phẩm, chẳng hạn như đồ trang sức, nhà cửa, ô tô, tủ lạnh và các hàng tiêu dùng lâu bền bắt đầu giảm.
Thời điểm này, lạm phát bắt đầu tăng nhanh, tiền mất giá…Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sắp bước chu kỳ mới - giai đoạn suy thoái.
2. Chu kỳ kinh tế ở Việt Nam
Chu kỳ kinh tế ở Việt Nam cũng tương tự như ở các quốc gia khác, bao gồm các giai đoạn thăng trầm của hoạt động kinh tế. Mặc dù các sự kiện suy thoái kinh tế là ngẫu nhiên, nhưng chu kỳ kinh tế Việt Nam thường được xác định là 10 năm chu kỳ, và suy thoái kinh tế Việt Nam thường rơi vào những năm cuối thập niên. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về chu kỳ kinh tế của Việt Nam từ năm 1990:
- Chu kỳ 1 (1990 – 2000): Giai đoạn Đổi Mới và Tăng Trưởng
Giai đoạn 1990 – 2000, nhìn chung có thể thấy chu kỳ đầu tăng trưởng mạnh hơn cả về tốc độ lẫn biên độ. Biên độ dao động mạnh từ năm 1991 đến năm 1992, với tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục trên 9% trong hai năm liền 1995 và 1996. Đây có thể coi là thành tựu của chính sách chuyển đổi cơ chế kinh tế mạnh mẽ, sự chấp nhận đối với thành phần kinh tế tư nhân, từ đó trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, cùng với chính sách tài khóa quan trọng, lạm phát trở về trong tầm kiểm soát, môi trường vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho hoạt đoạn sản xuất kinh doanh, tạo đà cho kinh tế phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1991 – 1996 đặt 8,38%, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 1997. Năm 1999 được xem là đáy của suy giảm.
- Chu kỳ 2 (2000-2009): Tăng Trưởng Ổn Định
Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định. Kinh tế được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) và sự thu hút đầu tư nước ngoài. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Từ năm 2001 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng cũng như biên độ tăng trưởng giảm so với chu kỳ trước. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm có xu hướng giảm, giai đoạn 2001 – 2005 đạt 7,33%/năm, giai đoạn 2006 – 2010 đạt 6,32%/ năm do những dư địa lợi thế của Việt Nam bắt đầu giảm dần. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam phần nào suy yếu sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 cũng ảnh hưởng đến Việt Nam, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh bắt đầu giảm dần, môi trường vĩ mô bộc lộ những điểm yếu dễ bị tổn thương trước những cú sốc trong và ngoài nước, kinh tế gặp khó khăn với việc suy giảm xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp ứng phó linh hoạt, nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn sau đó.
- Chu kỳ 3 (2009-2019): Tăng Trưởng Đa Dạng Hóa và Hội Nhập Quốc Tế
Từ năm 2009, một gợn sóng đầu của một chu kỳ kinh tế mới, chu kỳ thứ ba với hình mẫu tương tự của chu kỳ kinh tế 1990 – 2000. GDP tăng trưởng trung bình thấp hơn so với giai đoạn trước, kinh tế Việt Nam chịu tác động kép từ khủng hoảng tài chính và cú sốc từ khủng hoảng trên thế giới với diễn biến kinh tế trì trệ bên trong, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã lạc hậu dẫn đến không có động lực cho phát triển. Từ năm 2011, việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt đối với ba lĩnh vực quan trọng: tái cơ cấu hệ thống tài chính (trọng tâm là các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại), tái cơ cấu đầu tư (tập trung vào đầu tư công) và tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp (trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước).
Trong giai đoạn này, Việt Nam tập trung vào việc đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Sự gia tăng về xuất khẩu, du lịch, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp duy trì tăng trưởng.
- Chu kỳ 4 (2020-2022): Ảnh Hưởng Bởi Đại Dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 gây ra suy thoái toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Giới hạn về sản xuất, thương mại, và du lịch đã dẫn đến suy giảm tăng trưởng và tăng thất nghiệp.
Mặc dù, Việt Nam đã đối mặt với các thách thức trong nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự linh hoạt và khả năng ứng phó. Những biện pháp chính sách, cải cách kinh tế và việc tập trung vào phát triển bền vững giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng và giảm thiểu tác động của các giai đoạn khó khăn. Năm 2022, cả thế giới và Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. GDP bắt đầu tăng trở lại, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát cho thấy bức tranh kinh tế chuyển biến tích cực.
Như vậy, thông qua 2 bài viết nhà đầu tư đã có cái nhìn toàn diện hơn về khái niệm chu kỳ kinh tế, các giai đoạn của nó cũng như là chu kỳ kinh tế ở Việt Nam. Và ở bài viết tiếp theo, nhà đầu tư sẽ được tìm hiểu về mối liên hệ giữa chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán cũng như là chiến lược đầu tư theo từng giai đoạn. Thông qua đó nhà đầu tư sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!