Kiến thức đầu tư 03.07.2023
LÃI SUẤT VÀ CÁC LOẠI LÃI SUẤT PHỔ BIẾN HIỆN NAY (P1)
1. Lãi suất là gì?
Lãi suất (Interest rate) là chi phí của việc giữ tiền gửi của một đơn vị tài chính hoặc là chi phí của việc sử dụng tiền vay của người vay tiền được tính theo tỷ lệ phần trăm của khoản vay (hoặc gửi) mà người đi vay (hoặc gửi) phải trả (hoặc nhận) lại cùng với số tiền gốc đã vay (hoặc gửi). Lãi suất thường được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm tính trên tiền vốn mà người đi vay phải trả để sử dụng một đơn vị vốn vay trong khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ: Bạn gửi 100 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng với kỳ hạn 12 tháng và lãi suất 8%/năm. Sau khi kỳ hạn gửi kết thúc, bạn sẽ nhận lại được 108 triệu đông bao gồm tiền gốc 100 triệu động và 8 triệu đồng tiền lãi.
Khi lãi suất thấp, các doanh nghiệp dễ tiếp cận đến nguồn vốn vay và có tiền đi đầu tư vào các dự án khác, qua đó giúp tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lãi suất thấp sẽ dễ dẫn đến lạm phát và khi đó giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên.
Ngược lại, khi lãi suất cao, các doanh nghiệp sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn và khó tiếp cận được nguồn tiền vay khiến các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất hay đầu tư vào các dự án khác. Điều này sẽ làm chậm lại khả năng tăng trưởng của nền kinh tế nhưng mặt khác lại giúp kìm hãm lạm phát.
2. Những loại lãi suất phổ biến
Dựa vào những tiêu chuẩn khác nhau, chúng ta có những loại lãi suất phổ biến như sau:
a. Căn cứ vào tính chất của khoản vay
- Lãi suất cơ bản: là lãi suất cơ sở do Ngân hàng Nhà Nước công bố dành cho đồng nội tệ để ấn định cho các dịch vụ tín dụng của các ngân hàng thương mại.
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng: là lãi suất mà các ngân hàng trả cho khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.
- Lãi suất tín dụng (lãi suất cho vay): là lãi suất mà người vay tiền phải trả cho đơn vị tín dụng khi vay vốn, hình thức vay tín dụng khác nhau như vay thế chấp, vay tín chấp, vay trả góp… sẽ có mức lãi suất khác nhau.
- Lãi suất liên ngân hàng: là lãi suất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay còn gọi là Ngân hàng Trung Ương (NHTW) quy định cho các ngân hàng thương mại vay lẫn nhau.
- Lãi suất chiết khấu: là lãi suất mà NHNN ấn định cho ngân hàng thương mại vay để đáp ứng nhu cầu dòng tiền ngắn hạn hoặc bất thường của các ngân hàng này.
b. Căn cứ vào tính linh hoạt của khoản vay
- Lãi suất cố định: là loại lãi suất không thay đổi trong toàn bộ thời gian hợp đồng vay hoặc gửi. Mức lãi suất này được quy định rõ trong hợp đồng vay hoặc gửi tiền, sẽ không thay đổi theo biến động của thị trường.
- Lãi suất thả nổi: lãi suất này có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo biến động của thị trường trong thời gian hợp đồng vay hoặc gửi. Lãi suất sẽ được ngân hàng điều chỉnh theo chu kỳ 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần được quy định rõ trong hợp đồng vay hoặc gửi tiền.
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua nhà trả góp. Thời gian vay của bạn là 10 năm với lãi suất 6%/năm tính theo dư nợ gốc ban đầu.
- Số tiền gốc mà bạn phải trả hàng tháng sẽ là 1.000.000.000/120 = 8.333.334 đồng
- Tiền lãi tháng đầu bạn phải trả là 1.000.000.000 x 0,5% = 5.000.000 đồng
- Tổng lại, số tiền mỗi tháng bạn phải trả là 13.333.334 đồng
- Nếu như lãi suất tăng lên 9%/năm thì với cùng số tiền vay 1 tỷ đồng, mỗi tháng bạn sẽ phải trả 15.833.334 đồng. Do đó, việc lãi suất cao có thể gây khó khăn cho việc trang trải các chi phí khác, chẳng hạn như thực phẩm, học phí, chăm sóc con cái, …
c. Căn cứ vào giá trị thực của tiền lãi khoản vay
- Lãi suất danh nghĩa: là lãi suất biểu thị cho sự tăng trưởng của tiền tệ sau một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Tuy nhiên, lãi suất này được tính theo giá trị lý thuyết của khoản vay (hoặc gửi) mà chưa tính đến ảnh hưởng của lạm phát. Lãi suất danh nghĩa thường được thể hiện trên hợp đồng tín dụng hoặc sổ tiết kiệm.
- Lãi suất thực: hay còn gọi là lãi suất hiệu quả, là loại lãi suất thực thu được sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát.
Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – Tỷ lệ lạm phát
d. Căn cứ vào cách tính lãi suất
- Lãi suất đơn: là lãi suất được tính dựa trên số tiền gốc ban đầu trong suốt thời gian vay (hoặc gửi). Khi áp dụng lãi đơn tiền lãi của mỗi kỳ đều được tính theo vốn ban đầu mà không có sự tích lũy lãi suất trong quá trình vay hoặc đầu tư.
Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100,000,000 đồng với lãi suất là 4% mỗi năm.. Sau một năm, tổng số vốn và lãi là 104,000,000 đồng. Sau 3 năm, tổng số vốn và lãi là 112,000,000 đồng.
- Lãi suất kép: là lãi suất được tính dựa trên số tiền gốc ban đầu cộng dồn với số tiền lãi trong từ chu kỳ vay (hoặc gửi).
Ví dụ: Bạn đầu tư 500,000,000 đồng vào một tài khoản có lãi suất kép là 6% hàng năm với kỳ hạn 10 năm.
Công thức tính lãi kép hàng năm là: A = P * (1+R) ^n
Trong đó:
A: là số tiền sẽ nhận được sau 10 năm
P: là số tiền vốn ban đầu
R: là lãi suất hàng năm
n: là kỳ hạn gửi
Áp dụng công thưc tính, sau năm đầu tiên tổng số vốn và lãi là 530,000,000 triệu. Sau 10 năm, tổng số tiền bạn nhận được sẽ là 895,423,848 đồng.
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng/ giảm lãi suất
Lãi suất biến động theo thời gian và tình hình kinh kế. Có nhiều yếu tố thể có tác động đến sự tăng/ giảm lãi suất. Bao gồm:
Yếu tố cung cầu tiền tệ: Cung cầu tiền tệ là số tiền dùng để thanh toán, còn lãi suất là giá cả sử dụng nguồn tiền. Do đó, sự thay đổi của cung cầu sẽ ảnh hưởng đến mức lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN có thể quy định mức lãi suất cụ thể để đáp ứng các mục tiêu kinh tế của đất nước. Để mức lãi suất được ổn định thì thị trường vốn cần được bảo đảm vững chắc.
Yếu tố lạm phát: Lạm phát gây giảm giá trị tiền tệ do đó cũng ảnh hưởng đến lãi suất. Khi lạm phát tăng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao để bù đắp lại giá trị tiền tệ đã bị giảm do lạm phát.
Yếu tố kinh tế: Khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chúng ta sẽ có xu hướng đầu tư hoặc gửi tiết kiệm tìm kiếm tiền lãi thay vì tiết kiệm chi tiêu. Do đó, cung tiền tăng dẫn đến lãi suất giảm và ảnh hưởng đến cầu tiền tệ.
Yếu tố chính sách Nhà nước: Chính sách tiền tệ của NHNN cũng có ảnh hưởng đến lãi suất. Khi NHNN tăng lãi suất căn cứ vào sự gia tăng của lạm phát hoặc để giảm tiền lãi cho người dân và doanh nghiệp, điều này làm tăng lãi suất. Ngược lại, khi NHNN giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế và giảm tình trạng thất nghiệp, lãi suất sẽ giảm.
4. Tác động của lãi suất đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán
Đối với đến nền kinh tế, lãi suất cao thường làm tăng giá trị tiền tệ địa phương so với tiền tệ của các quốc gia khác, do đó thu hút các khoản đầu tư và tăng cường xuất khẩu. Ngược lại, lãi suất thấp thường giảm giá trị tiền tệ, từ đó giúp tăng cường nhập khẩu
Còn đối với thị trường chứng khoán, khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư thường có xu hướng chuyển từ cổ phiếu sang đầu tư vào các khoản tiền gửi ngân hàng có lãi suất cao hơn, làm giảm giá trị cổ phiếu. Ngược lại, khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cổ phiếu có tiềm năng sinh lợi cao hơn, làm tăng giá trị cổ phiếu
Có thể thấy, lãi suất đóng một vai trò vô cùng to lớn trong sự ổn định và phát triển kinh tế của một quốc gia. Việc tăng/ giảm lãi suất đều sẽ có tác động lớn và nhỏ đến thị thường khiến giá cổ phiếu thay đổi. Hi vọng qua bài viết này, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về lãi suất và những tác động của yếu tố này đến Thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Qua đó, nhà đầu tư có thể dự đoán được xu hướng thị trường và đưa ra chiến lược phù hợp, giảm thiểu mọi rủi ro.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!