Kiến thức đầu tư 05.10.2023
Mối liên hệ giữa chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán (P3)
1. Mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán và chu kỳ kinh tế
Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và chu kỳ kinh tế thể hiện sự tương tác giữa sự thăng trầm của hoạt động kinh doanh và sự biến đổi của giá cổ phiếu. Mọi biến động trên thị trường chứng khoán đều có thể tác động đến nền kinh tế và các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán thường đi trước so với nền kinh tế, bởi vì chứng khoán phản ánh kỳ vọng vào tương lai của các công ty.
- Khi nền kinh tế đang ở giai đoạn suy thoái thì thị trường chứng khoán đã đến bước chạm đáy.
- Đến khi nền kinh tế chạm đáy thì thị trường chứng khoán lại khởi sắc và tăng nhẹ.
- Lúc giá trị thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất, thì nền kinh tế mời chỉ bước vào giai đoạn phục hồi.
- Và khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ nhất thì chứng khoán lại bước vào giai đoạn suy thoái và đi xuống.
Tăng trưởng Kinh tế và Thị trường chứng khoán: Trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán thường cũng trở nên sôi động. Khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp thường có lợi nhuận tốt hơn. Điều này thường dẫn đến sự gia tăng của giá cổ phiếu của các công ty và ngành có tiềm năng tăng trưởng cao. Các nhà đầu tư thường có niềm tin cao vào triển vọng kinh tế và đổ tiền vào thị trường chứng khoán, làm tăng giá cổ phiếu và chỉ số chứng khoán.
Suy thoái và Thị trường chứng khoán: Trái ngược với giai đoạn tăng trưởng, trong thời kỳ suy thoái, thị trường chứng khoán thường gặp khó khăn. Trong giai đoạn suy thoái, hoạt động kinh doanh chậm lại, lợi nhuận giảm và nhu cầu tiêu dùng giảm. Điều này thường làm giảm giá cổ phiếu của nhiều công ty và ngành. Nhà đầu tư thường thiếu niềm tin và lo ngại về triển vọng tương lai, dẫn đến việc bán cổ phiếu để bảo vệ tài sản hoặc tránh rủi ro tiềm ẩn. Việc không chắc chắn về triển vọng kinh tế thường dẫn đến việc rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, tìm kiếm kênh đầu tư khác an toàn hơn.
2. Chiến lược đầu tư theo chu kỳ kinh tế
Lựa chọn lĩnh vực và mã chứng khoán để đầu tư theo chu kỳ kinh tế là một phần quan trọng trong việc quản lý danh mục đầu tư. Các lĩnh vực và mã chứng khoán có thể được ưu tiên khác nhau trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
- Giai đoạn suy thoái: Đây là giai đoạn hoạt động kinh tế bắt đầu đi xuống, kèm theo sự suy giảm đáng kể về lợi nhuận của công ty. Thị trường chứng khoán thường đã được điều chỉnh đáng kể.
Ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên chọn các cổ phiếu có tính chất phòng thủ thuộc có thể nắm giữ dài hạn thuộc các ngành ổn định như chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, tiêu dùng thiết yếu, tiện ích và các cổ phiếu của công ty có khả năng duy trì lợi nhuận ổn định và chống chịu tốt trong thời kỳ khó khăn.
- Giai đoạn đáy chu kỳ: Đây là giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế, doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm nghiêm trọng, tỉ lệ thất nghiệp cao, GDP giảm mạnh. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, lựa chọn tiết kiệm. Lúc này chính phủ sẽ đưa ra những chính sách để hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế. Lãi suất ngân hàng giảm dần làm tăng nhu cầu vay, nhóm ngành dịch vụ tài chính sẽ dẫn dắt nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Nhóm ngành giao thông vận tải và logistic cũng sẽ bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi để thúc đẩy thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể đầu tư vào nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu như điện tử, nhà hàng, khách sạn và ngành công nghệ như IT, nghiên cứ và phát triển có xu hướng phục hồi dần.
- Giai đoạn phục hồi: Nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau suy thoái, với những dấu hiệu tăng trưởng đáng khích lệ trên thị trường tín dụng khi các chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng. Đây thường là thời điểm các doanh nghiệp và ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh hơn khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng cao.
Ngành nên đầu tư là ngành công nghệ, công nghiệp cơ bản (như sắt, thép, đồng, nhôm, và các nguyên liệu công nghiệp khác). Ngoài ra còn có ngành cung cấp tư liệu sản xuất (như sản xuất máy móc, xây dựng công trình)
- Giai đoạn hưng thịnh: Trong giai đoạn này, nền kinh tế thường đạt đến đỉnh điểm tăng trưởng, sự phục hồi đã ổn định và lãi suất bắt đầu tăng nhanh. Các ngành công nghiệp hoạt động hết công cuất dẫn đến nhu cầu về năng lượng, tiện ích và viễn thông tăng. Ở giai đoạn này, người tiêu dùng thường có nhiều tiền hơn để chi tiêu và đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ.
Các cổ phiếu ngành tiêu dùng, bán lẻ, du lịch, bất động sản, tài chính sẽ hưởng lợi từ tăng cầu tiêu dùng. Ngoài ra, lạm phát cũng có dấu hiệu gia tăng trong thời kì này. Khi lạm phát tăng thì nhà đầu tư nên quan tâm đầu tư nhóm ngành năng lương và nguyên vật liệu.
Như vậy, thông qua chuỗi bài viết trên, chắc hẳn nhà đầu tư đã có cái nhìn toàn diện hơn về chu kỳ kinh tế và mối liên hệ với thị trường chứng khoán. Từ đó nhà đầu tư có thể đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp và sáng suốt nhất.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!