Phân tích kỹ thuật 24.04.2023
Pocket Pivot – Điểm mua tối ưu
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Pocket Pivot là một chỉ báo kỹ thuật do Tiến sỹ Crish Kacher – một nhà phân tích cao cấp và cũng là giám đốc danh mục đầu tư của William O’Neil phát minh. Chỉ báo này được kế thừa từ điểm mua Break out (Phá vỡ) của William O’Neil. Crish Kacher nổi tiếng với hiệu quả đầu tư vượt trội, trong vòng 7 năm đã đạt lợi nhuận lên tới 18.000%, tương đương lãi kép hơn 100% mỗi năm, nhờ phong cách giao dịch kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Về phân tích cơ bản, Ông áp dụng các yêu cầu nền tảng trong phương pháp CANSLIM. Về phân tích kỹ thuật, điểm mấu chốt là việc ông tạo ra điểm mua tối ưu.
Thị trường về cơ bản chia làm 3 xu hướng: tăng, giảm và đi ngang. Việc giao dịch trong một thị trường đi ngang thường khó đem lại lợi nhuận hơn khi thị trường xác định xu hướng tăng hoặc giảm (đầu tư theo chiến lược bán khống). Là một nhà giao dịch theo trường phái đầu tư CANSLIM (tham gia khi thị trường tăng), nên vào những năm 2005 trong giai đoạn thị trường đi ngang, Crish Kacher đã nghiên cứu hướng giao dịch mới và Pocket Pivot ra đời từ đó.
TỔNG QUAN VỀ POCKET PIVOT
Khái niệm:
Pocket Pivot thường xảy ra bên trong nền giá của cổ phiếu và sẽ xuất hiện trước khi điểm mua chuẩn Break out (phá vỡ). Pocket Pivot cũng có thể xảy ra dưới dạng các điểm mua nối tiếp khi cổ phiếu đã tăng lên cao hơn, sau khi thoát ra khỏi nền giá hoặc thoát ra khỏi giai đoạn tích lũy.
Quan sát hình trên, cổ phiếu của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), trước khi xuất hiện phiên Break out (phá vỡ) theo kiểu chuẩn, cổ phiếu đã xuất hiện nhiều phiên cho tín hiệu của điểm mua Pocket Pivot với giá tăng hơn 2% kèm khối lượng tăng cao so với trung bình, nền giá được hình thành trong 6-8 tuần.
Ngoài ra, Pocket Pivot còn có thể xuất hiện trong nền giá của mẫu hình cốc tay cầm, giúp nhà đầu tư xác định được điểm mua sớm, tối đa hóa lợi nhuận, trước khi mẫu hình cốc tay cầm và điểm mua chuẩn hình thành, cụ thể như hình dưới đây.
Pocket Pivot cần có những đặc điểm như sau:
- Trước khi xảy ra điểm Pocket Pivot, cổ phiếu phải hình thành nền giá chặt chẽ tức là giá biến động trong biên độ hẹp kèm khối lượng giao dịch cao ở các ngưỡng hỗ trợ. Nền giá phải được hình thành ít nhất từ 6 – 8 tuần.
- Khi ở trong nền giá, ta sẽ có điểm mua Pocket Pivot nếu tại đó giá cổ phiếu tăng mạnh với khối lượng lớn có thể là cao hơn khối lượng trung bình 20 phiên. Đây là điểm mấu chốt, thể hiện cho hành động giá mạnh mẽ, thúc đẩy giá cổ phiếu tăng ở thời gian sau đó.
- Thường nến Pocket Pivot ở gần so với đường trung bình MA10, kết phiên ở mức giá cao nhất trong ngày. Với Pocket Pivot chuẩn, giá cổ phiếu sẽ bật lên từ sát đường MA10 hoặc bật cắt lên trên đường MA10.
- Trường hợp Pocket Pivot trùng với điểm break nền giá, thường không được coi điểm mua là Pocket Pivot (do không nằm ở trong nền giá). Tuy nhiên, điểm mua tại đây được xem là điểm mua Break out, điểm mua này về cơ bản an toàn hơn điểm mua Pocket Pivot.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên kết hợp với một vài quy tắc nhằm củng cố điểm mua theo Pocket Pivot, cụ thể:
- Cổ phiếu có yếu tố cơ bản giả sử như: có sự tăng tốc trong tăng trưởng lợi nhuận, doanh số, biên lợi nhuận mở rộng, ROE cao (lớn hơn 15-20%), có sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích, ...
- Khối lượng tại phiên xuất hiện Pocket Pivot nên lớn hơn khối lượng lớn nhất của các ngày giảm trong 10 ngày trước đó.
- Không mua Pocket Pivot nếu toàn bộ mẫu hình chung đang ở trong xu hướng giảm trong suốt nhiều tháng (ví dụ 5 tháng trở lên). Tốt hơn hết là để cổ phiếu xây nền giá vững chắc trước khi mua.
- Hạn chế mua Pocket Pivot nằm dưới MA50 ngày hoặc MA200 ngày. Nếu nó nằm dưới MA50 ngày và được hỗ trợ bởi MA200 ngày ở gần đó, đó cũng có thể là điểm mua nếu có nền tích lũy.
- Đừng mua Pocket Pivot nếu cổ phiếu bật dậy theo hình chữ V, theo đó cổ phiếu xuyên thủng xuống dưới đường MA10 hoặc MA50, rồi vòng tăng trở lại theo chữ V. Những mẫu hình này thường lỏng lẻo và dễ thất bại.
- Một vài trường hợp Pocket Pivot xuất hiện sau khi cổ phiếu đã rời xa nền giá. Việc giá đã tăng kéo dài, điều này có thể không còn hấp dẫn để tham gia, dù sẽ có điểm hỗ trợ bởi MA10 ngày. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có điểm mua Pocket Pivot từ MA10 ngày, sau vài ngày củng cố, thì vẫn có thể cân nhắc mua.
Như vậy, bài viết đã phần nào giúp nhà đầu tư hiểu hơn về cách xác định điểm mua theo Pocket Pivot, cũng như tín hiệu điểm mua trong một thị trường đi ngang tích lũy, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận so với điểm mua Break out truyền thống. Thông qua bài viết nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bao quát hơn trong việc xác định xu hướng, tìm thời điểm tham gia phù hợp, từ đó gia tăng hiệu quả đầu tư cũng như chinh phục và tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vì không có bất kỳ phương pháp nào mang lại hiệu quả tuyệt đối, nên nhà đầu tư nên sử dụng kết hợp với các tiêu chí của phân tích cơ bản, chỉ báo về khối lượng, dòng tiền nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!