Kiến thức đầu tư 06.09.2022
Đánh giá doanh nghiệp qua việc đọc hiểu Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ
1. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash flow Statement) là gì?
Bảng lưu chuyển tiền tệ (Cash flow Statement) là báo cáo ghi nhận dòng tiền ra, vào của doanh nghiệp nhằm cung cấp cho người đọc toàn bộ thông tin liên quan đến việc luân chuyển tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển) trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định tính đến thời điểm lập báo cáo.
2. Các khoản mục dòng tiền của báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được phân loại theo 3 hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong một thời kỳ nhất định.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Hoạt động quan trọng nhất): Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Hoạt động này có 2 cách lập báo cáo là phương pháp trực tiếp đi từ doanh thu và phương pháp gián tiếp đi từ lợi nhuận trước thuế.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư, mua bán hoặc thanh lý các tài sản cố định hay các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính là các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động huy động vốn từ chủ nợ và chủ sở hữu, hay hoàn trả vốn cho chủ nợ, mua lại cổ phần, chia lãi cho nhà đầu tư, chia cổ tức cho cổ đông của doanh nghiệp
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh:
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được phân làm hai loại:
– Dòng tiền vào: Thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác, thu khác (bao gồm toàn bộ tiền thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Dòng tiền ra: Tiền chi cho nhà cung cấp, tiền chi cho người lao động, khấu hao, lãi vay, thuế TNDN, chi khác cho hoạt động kinh doanh.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh = Dòng tiền vào – Dòng tiền ra
Nếu:
- Dòng tiền vào – dòng tiền ra > 0: Doanh nghiệp hoạt động tốt.
- Dòng tiền vào – dòng tiền ra < 0: Doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng thiếu tiền (hay còn gọi là kiệt quệ tài chính). Nếu không tháo gỡ được sẽ dẫn đến tình trạng phá sản, giải thể.
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư:
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng được phân làm hai loại:
– Dòng tiền vào: Thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản; thu hồi từ việc cho vay, đầu tư vốn góp; lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia.
– Dòng tiền ra: Chi để mua sắm, xây dựng tài sản, bất động sản; chi cho vay, đầu tư vốn góp vào đơn vị khác.
Đây là hoạt động không phải lúc nào cũng diễn ra thường xuyên trong doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, hoạt động này dễ nhận biết hơn các doanh nghiệp dịch vụ khác bởi việc đầu tư vào trang thiết bị, máy móc cho sản xuất.
Trong dòng tiền từ hoạt động đầu tư, nếu trong kỳ xuất hiện một khoản thu lớn từ hoạt động bán tài sản, thoái vốn đầu tư thì trong kỳ có thể có một khoản lợi nhuận bất thường đến từ hoạt động này nhưng đồng nghĩa tài sản hoặc khoản đầu tư đó sẽ không tiếp tục mang lại lợi nhuận hay doanh thu, dòng tiền trong tương lai => Nên đánh giá lại tiềm năng của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của việc sử dụng khoản thu mới.
Ngược lại, nếu trong kỳ chúng ta thấy có một khoản chi lớn từ hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, hoặc chi đầu tư dự án thì nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm về tính khả thi, hiệu quả và mức độ sinh lời của khoản chi này
Dòng tiền từ hoạt động tài chính:
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng được phân làm hai loại:
– Dòng tiền vào: Thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp, thu từ đi vay.
– Dòng tiền ra: Chi trả vốn góp, mua cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành, chi trả nợ gốc vay và nợ thuê tài chính, chia cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Về cơ bản lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính sẽ phản ánh việc thay đổi về quy mô, kết cấu vốn của chủ sở hữu, các khoản nợ của doanh nghiệp. Từ đó sẽ hiểu quy mô doanh nghiệp, định hướng kinh doanh (vay nợ hay không vay, vay nhiều hay vay ít).
Nếu như một doanh nghiệp báo cáo kết quả lợi nhuận tăng vượt bậc nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm liên tục qua nhiều kỳ thì sẽ dễ gây ra quan ngại về chất lượng của lợi nhuận trong báo cáo. Và nếu dòng tiền kinh doanh này âm liên tục và được bù đắp bằng việc gia tăng nợ vay liên tục thì có thể đẩy doanh nghiệp đến rủi ro thanh khoản.
3. Trình tự giúp đọc Bảng lưu chuyển tiền tệ hiệu quả
Đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, ta sẽ đọc theo thứ tự từng hạng mục trong báo cáo để xem xét diễn biến của dòng tiền trong từng hạng mục, qua đó đánh giá được tiềm năng của doanh nghiệp và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng khoản thu mới.
Bước 1 |
Lưu chuyển tiền từ hoạt động KD
|
Bước 2 |
Lưu chuyển tiền từ HĐ đầu tư
|
Bước 3 |
Lưu chuyển tiền từ HĐ tài chính
|
Bước 4 |
Tiền và tương tiền khả dụng cuối kỳ
|
VD Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ của CTCP Thép Nam Kim 6 tháng năm 2020 so với 6 tháng năm 2021
Dựa vào Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, có thể thấy doanh nghiệp có lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là dương 600 tỷ, nguồn tiền này chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, thu ròng hơn 1200 tỷ. Tiền thu từ hoạt động tài chính được sử dụng để bù đắp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, âm hơn 400 tỷ. Và chi ròng từ hoạt động đầu tư âm hơn 200 tỷ, chủ yếu là chi cho đầu tư góp vốn trong kỳ. Như vậy, đối với báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bên cạnh việc xem xét diễn biến của dòng tiền thuần trong kỳ, chúng ta hãy để ý thêm dòng tiền này đến từ đâu.
Như vậy, chỉ qua việc đọc và phân tích Bảng lưu chuyển tiền tệ, nhà đầu tư sẽ nắm được các thông tin về dòng tiền trong doanh nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra những dự đoán và nhận định về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Một doanh nghiệp khỏe mạnh chính là một doanh nghiệp luôn có dòng tiền vào, ra hợp lý và dòng tiền vào nên cần lớn hơn dòng tiền ra. Và để tìm hiểu thêm về cấu trúc cũng như cách phân tích khác trong Báo cáo tài chính, Quý nhà đầu tư hãy theo dõi ngay bài giảng tại video Bài 11: Cách đọc hiểu báo cáo tài chính
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY - HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!